THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN AN MINH.


Đảng ta xác định: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, tổ chức đảng phải tiến hành kiểm tra, giám sát.


Việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát thời gian qua Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày  của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đặc biệt là từ khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặng, đẩy lùi sự suy thoái về tưởng chính trị đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống  tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Xuất phát từ những yêu cầu về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đảng bộ huyện An Minh xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát, Chương trình số 14-CTr/HU, ngày 16/4/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đồng thời hàng năm Huyện ủy ban hành Kế hoạch chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn huyện. Trong thời gian qua các tổ chức đảng ở cơ sở trên địa bàn huyện An Minh đã tổ chức triển khai sâu rộng những nội dung của các Nghị quyết nói trên và Chương trình, kế hoạch của Huyện ủy đến từng tổ chức đảng và đảng viên, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, nội dung sinh hoạt chính trị tư tưởng trong các cuộc họp đảng bộ, chi bộ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương lãnh đạo sát với tình hình, thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động và những biểu hiện không bình thường đối với một số cán bộ, đảng viên, kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc trong công tác. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay cấp ủy và UBKT các cấp đã kiểm tra, giám sát 195 lượt tổ chức và 3.719 lượt đảng viên.

Thực tế cho thấy, nơi nào cấp ủy buông lỏng hoặc xem nhẹ công tác kiểm tra, giám sát nơi đó dễ nảy sinh tiêu cực, chất lượng cán bộ, đảng viên kém. Xuất phát từ đường lối, quan điểm và sự chỉ đạo của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, trong những năm qua các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện An Minh đã tổ chức học tập, quán triệt và vận dụng các văn bản, quy định hướng dẫn của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, qua đó đã đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, triển khai thực hiện thắng lợi, nghị quyết của Đảng và các nghị quyết của cấp ủy huyện, tổ chức đảng ở cơ sở đã chủ động xây dựng Chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm, tiến hành kiểm tra, giám sát theo định kỳ và thực hiện kiểm tra theo chuyên đề... qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực trong các tổ chức đảng và đảng viên, phát huy tính trung thực, tự giác, phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm thiếu sót, tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng được thực hiện nghiêm túc .

Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong thời gian qua còn có mặt hạn chế cần phải nhìn nhận đó là:

Thứ nhất, nhận thức của một số cấp ủy về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, nhất là thực hiện nhiệm vụ giám sát còn lúng túng, chưa thấy rõ mối quan hệ tác động qua lại giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát, từ phân công cho đến quy trình, thủ tục, chưa phân biệt được  giữa giám sát và kiểm tra. Còn tình trạng cấp ủy một số nơi phó thác nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cho Ủy ban Kiểm tra cấp mình, chưa thấy được đó là việc của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

Thứ hai, tâm lý ngại đụng chạm, thiếu bản lĩnh khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nên chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao. Một số cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát chưa được đào tạo nghiệp vụ, chỉ qua các đợt tập huấn ngắn hạn, không nắm vững nghiệp vụ nên khi tiến hành còn rất nhiều lúng túng, chất lượng một số cuộc kiểm tra, giám sát không cao.

Thứ ba, Ủy ban Kiểm tra và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi chưa đủ mạnh, thiếu chủ động, tham mưu, đề xuất phương án xử lý chưa tốt những vụ việc bức xúc xảy ra ở đơn vị mình, vẫn còn làm theo thời vụ hoặc khi có dư luận mới tiến hành kiểm tra, thiếu tính chủ động.

Thứ tư, công tác sơ, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp còn xem nhẹ, chưa được quan tâm đúng mức, có nơi làm sơ sài để báo cáo, nhiều quy định, hướng dẫn của Đảng, của cấp ủy chưa được tổ chức học tập quán triệt nghiêm túc, đầy đủ đến chi bộ, đảng bộ dẫn đến nhiều cán bộ làm công tác kiểm còn yếu về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát.

Thứ năm, cán bộ được phân công làm công tác kiểm tra, giám sát chưa dành nhiều thời gian nghiên cứu các hướng dẫn, quy định, quy trình nghiệp vụ mà phần lớn dành thời gian cho công việc chuyên môn, nhất là các tổ chức đảng ở các ban, ngành cấp huyện.

Từ những vấn đề hạn chế chủ yếu nói trên có các nguyên nhân sau:

Tính tổ chức và kỷ luật đảng ở một số nơi thực hiện chưa nghiêm, đảng viên có khuyết điểm còn quanh co, chưa thật sự tự giác báo cáo và nhận khuyết điểm của mình, khi tổ chức phát hiện đến đâu thì khai đến đó.

  Tâm lý ngại va chạm, nể nang, né tránh của một số cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát nên chất lượng kiểm tra, giám sát chưa đúng thực chất của vụ việc, nên chưa đủ sức góp phần ngăn chặng sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, nguyên nhân này đã và đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội .

 Nhận thức của một số cấp ủy và tổ chức đảng về công tác kiểm tra, giám sát chưa đầy đủ, còn tình trạng sợ mất thành tích chung của đảng bộ, chi bộ nên không kiên quyết xử lý nghiêm đảng viên có vi phạm, chưa quyết liệt trong đấu tranh, xử lý tổ chức đảng và đảng viên. Sau kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm còn thiếu kiểm tra việc khắc phục, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cơ sở trên địa bàn huyện An Minh cần thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đối với các cấp ủy cơ sở tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) của Ban Chấp hành Trung ương; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” xem đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Các cấp ủy thường xuyên bổ sung cập nhật nội dung, chỉ thị, nghị quyết mới vào chương trình, kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, uốn nắn kịp thời những hạn chế, thiếu sót.

Hai là, Việc bố trí cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát phải được lựa chọn những cán bộ có đủ bản lĩnh, không ngại đụng chạm, thẳng thắn, trung thực, khách quan, công tâm, nghiêm túc, không ít kỷ, hẹp hòi, định kiến, nhưng phải thấu tình, đạt lý… trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, phải xây dựng cơ chế bảo vệ cho những cán bộ này, nếu không có cơ chế đảm bảo chắc chắn hiệu lực, hiệu quả đem lại sẽ không cao.

Ba là, Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy mà trước hết là Ban Thường vụ cấp ủy nhằm đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng được thực hiện trong thực tế , do đó, cần quan tâm xây dựng, giữ gìn và phát huy tính tự giác của đảng viên, không thể nói suông hoặc hô hào, kêu gọi tính tự giác của mỗi đảng viên mà thông qua công tác kiểm tra, giám sát để xây dựng cơ chế, biện pháp kể cả chế tài xử lý, xem đây là vấn đề mấu chốt để nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương của Đảng và cũng là giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở.

Bốn là, Kiện toàn Ủy ban kiểm tra, cơ quan Uỷ ban kiểm tra ngang tầm và củng cố đội ngũ cán bộ kiểm tra, giám sát đủ mạnh, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, thử thách, chịu được áp lực từ nhiều phía, kiên quyết đấu tranh không dao động trước bất kỳ sự can thiệp nào từ cấp trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát khi tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm và xử lý vi phạm.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với cải tiến lề lối, phong cách làm việc, thường xuyên sơ, tổng kết kịp thời phát hiện ưu điểm để biểu dương nhân rộng điển hình, xử lý nghiêm minh những vi phạm đến mức phải xử lý, có như vậy công tác kiểm tra, giám sát của Đảng mới đạt chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu trên, vận dụng phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng đảng bộ, chi bộ, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, giam sát, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng của huyện nhà./.

                  Mai Văn Sĩ, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy An Minh