Huyện An Minh tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trên địa bàn huyện An Minh đạt nhiều kết quả tích cực. Số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển vượt bậc; phương thức hoạt động không ngừng được cải tiến.

Hội nghị thành lập Hợp tác xã Thành Đạt, ấp Minh Giồng, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh

Hiện toàn huyện hiện có 47 hợp tác xã với 728 thành viên, trong đó có 03 hợp tác xã hoạt động nổi bật là hợp tác xã Hiệp Lực (xã Đông Hoà), hợp tác xã dịch vụ tôm-cua-lúa Thạnh An (xã Đông Thạnh), hợp tác xã Ngã Bát (xã Đông Hưng B), mỗi hợp tác xã có hơn 50 thành viên và 242 tổ hợp tác với 2.391 thành viên.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW chưa đi vào chiều sâu, chưa phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Một số cấp ủy đảng và chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến vai trò của kinh tế tập thể, nhận thức về vị trí, vai trò của việc phát triển kinh tế tập thể chưa thống nhất. Một số hợp tác xã đã thành lập nhưng chưa biết cách điều hành, chưa đi vào hoạt động, chưa có hồ sơ thủ tục pháp lý, một số còn mang tính hình thức sau đó giải thể.

Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW; Huyện uỷ An Minh xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tập thể phù hợp với tình hình thực tế của huyện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, toàn huyện có 70 hợp tác xã với 1.500 thành viên, có khoảng 270 tổ hợp tác với 2.700 thành viên. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên trên tổng số hợp tác xã của huyện, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ cao đẳng, đại học đạt ít nhất 30%. 90% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc.

Để thực hiện các mục tiêu, Huyện uỷ An Minh đề ra các nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xem việc đổi mới khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Xây dựng nội dung và phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực và hiệu quả, hình thức đa dạng, phong phú; kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả.

Hai là, rà soát các cơ chế, chính sách đối với kinh tế tập thể, kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao để nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành. Xây dựng chương trình, đề án tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn huyện để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong từng thời kỳ.

Ba là, tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế tập thể; rà soát năng lực, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có, thực hiện sáp nhập các đơn vị không đủ điều kiện, hoạt động kém hiệu quả; nâng cao vai trò chủ thể của các thành viên tham gia; xử lý dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tăng cường các hình thức liên kết hợp tác xã về nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa; liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước trong tiêu thụ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ; sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tập thể. 

Bốn là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trên địa bàn huyện; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả pháp luật, quy hoạch, kế hoạch để kinh tế tập thể phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                TRƯỜNG ANH

                                                                                                                                                                                                                                                                                                (Chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy)