Những kết quả nổi bật của Hội Nông dân huyện An Minh qua một nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh; sự quan tâm, tạo điều kiện của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; cán bộ, hội viên Hội Nông dân huyện An Minh đã phát huy truyền thống lao động cần cù sáng tạo, nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt mọi khó khăn, tích cực thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, nhiệm kỳ qua các cấp Hội đã tổ chức được 3.865 cuộc tuyên truyền với 119.950 lượt người tham dự, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân trong thực hiện chủ trương, chính sách và tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội và phát triển hội viên được chú trọng. Trong nhiệm kỳ, Hội Nông dân huyện đã phát triển mới 6.013 hội viên, tổng số hội viên toàn huyện hiện có 14.345 hội viên. Công tác quản lý hội viên được thực hiện chặt chẽ, khoa học. Hàng năm, có 11/11 cơ sở Hội được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và 85% chi, tổ hội được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Việc vận động nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm. Các cấp hội đã tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển các mô hình nuôi tôm - lúa có cải tiến, nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn, xây dựng mô hình tôm, lúa hữu cơ. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay, toàn huyện có 62.238 lượt hộ dân đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 63% so với lượt hộ đăng ký.

Kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội đã vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân được 1.492.443.000 đồng, hỗ trợ cho 439 lượt hộ vay vốn, với 63 mô hình, dự án sản xuất, làm ăn có hiệu quả. Bên cạnh đó, hai cấp Hội cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho 2.983 lượt hộ vay vốn, với tổng dư nợ hơn 76 tỷ 262 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, như: Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy và Hội cấp trên giao, từng lúc còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát chất lượng chưa cao; cán bộ không chuyên trách cấp xã và chi hội trưởng các ấp, khu phố thay đổi nhiều nên chưa bắt nhịp được với công việc...

 

Ảnh: Giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân tại xã Đông Hưng.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong thời gian tới, các cấp hội nông dân trong huyện cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là các chủ trương, chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chương trình xây dựng nông thôn mới; các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của nông dân. Chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân để cùng tháo gỡ kịp thời, báo cáo với cấp ủy và cùng chính quyền có biện pháp giải quyết một cách đúng đắn theo hướng thực sự dựa vào nông dân và vì nông dân.

Hai là, xây dựng, củng cố Hội các cấp mạnh về chính trị, thống nhất về tư tưởng và tổ chức. Đẩy mạnh việc tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên mới; nâng cao chất lượng hội viên, chất lượng chi hội, tổ hội. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Hội. Tích cực đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, nữ, dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác Hội và phong trào nông dân.

Ba là, phát động và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi hai cấp. Khuyến khích các hộ nông dân sản xuất kinh doanh theo hình thức liên kết, nhân rộng các mô hình hiệu quả và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt chuyển giao khoa học kỹ thuật. Vận động hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đăng ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Bốn là, tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn; chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để ký kết nhằm huy động các nguồn lực như: vốn, máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp và các loại vật tư nông nghiệp… hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý giúp nông dân nắm chắc, hiểu đúng pháp luật để tham gia liên kết, hợp tác có hiệu quả. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội làm công tác tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý.

Năm là, tích cực triển khai hoạt động dạy nghề và hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân; liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, các doanh nghiệp để đào tạo nghề cho nông dân; tập trung đào tạo về kỹ năng, kiến thức, tay nghề, cách thức tổ chức sản xuất, hạch toán, quyết toán trong sản xuất, kinh doanh, định hướng, dẫn dắt nông dân trở thành nông dân chuyên nghiệp, làm chủ trong phát triển nông nghiệp, tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc phát động. Tiếp tục vận động hội viên, nông dân xây dựng gia đình văn hóa, tổ, ấp, xã văn hóa; giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa trong tiệc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của hội viên, nông dân. Phấn đấu hàng năm có từ 95% trở lên hội viên, nông dân đạt chuẩn gia đình văn hóa./.

 

                               LÂM MINH HẬU

                                         (Huyện ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy)