An Minh lãnh đạo hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với các xã, quyết tâm xây dựng huyện An Minh đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023

Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa huyện. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật và đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện và Cấp uỷ, UBND các xã, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã trở thành phong trào được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Hằng năm các cấp uỷ, chính quyền đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu Chương trình đã đề ra. Qua đó, nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và vai trò gương mẫu, tiên phong của cán bộ, đảng viên được nâng lên; Nhân dân có sự đồng thuận, tin tưởng và chủ động tham gia tích cực vào quá trình xây dựng NTM.

 

Ảnh: Lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Đông Thạnh nhận Quyết định xã NTM nâng cao.

 

Là một huyện nghèo thuộc vùng U Minh Thượng, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên chưa được đầu tư, khai thác hiệu quả; thu nhập của người dân thấp, trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM mỗi xã trong huyện đạt bình quân chỉ từ 03 đến 05 tiêu chí. Qua quá trình triển khai xây dựng NTM đến cuối năm 2020 toàn huyện đã có có 06/10 xã đạt chuẩn NTM như: Đông Thạnh Đông Hưng, Đông Hưng B, Vân Khánh, Thuận Hòa, Vân Khánh Đông, Đông Hòa, các xã còn lại bình quân đạt 15,75 tiêu chí. Và nổi bật hơn là đến cuối năm 2022, toàn huyện đã có 10/10 đạt công nhận Nông thôn mới. Trong đó, có 01 xã đạt công nhận NTM nâng cao; Qua rà soát 9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định 320/QĐ-TTg, ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Huyện đạt 5/9 tiêu chí, còn 4/9 tiêu chí chưa đạt (các tiêu chí chưa đạt: 5 về y tế, văn hóa, giáo dục; 6 về kinh tế; 7 về môi trường; 8 về chất lượng môi trường sống).

Tuy nhiên, do là huyện có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, kết cấu cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, trong khi nguồn lực đầu tư để xây dựng NTM là rất lớn. Để thực hiện thắng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Năm 2023, Huyện uỷ ban hành Nghị quyết xây dựng huyện An Minh đạt chuẩn Nông thôn mới; phấn đấu xã Vân Khánh Đông, Đông Hưng đạt chuẩn NTM nâng cao và Thị trấn Thứ 11 đạt chuẩn Đô thị văn minh.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đã đề ra, Huyện uỷ đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể Nhân dân trong huyện thực hiện tốt cac nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức kể cả chiều rộng, chiều sâu, làm chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; phân định rõ trách nhiệm những công việc cụ thể của từng cấp, ngành, đoàn thể và những công việc của hộ dân phải làm; tuyên truyền làm cho hộ dân nhận thức rõ vai trò chủ thể, hiểu được lợi ích và trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; tập trung vận động nhân dân tham gia đóng góp tiền của, đất đai, sức lao động; thay đổi tập quán sản xuất; chủ động lựa chọn mô hình sản xuất mới, hiệu quả; tham gia các hình thức liên kết sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP, tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt các tiêu chí nếp sống văn minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu và có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và Nhân dân nơi cư trú tham gia thực hiện tốt các phần việc xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các Đoàn thể chính trị - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời tạo điều kiện để mọi người dân tham gia, giám sát các hoạt động của cán bộ, đảng viên và Ban quản lý xây dựng Nông thôn mới; thực hiện tốt vai trò nồng cốt trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên đóng góp tiền, ngày công, hiến đất,... để xây dựng nông thôn mới và phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp tổ chức tốt các nội dung “phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công bố quy hoạch, hoàn thành đề án xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới để triển khai thực hiện; lựa chọn, bố trí công trình hạ tầng phù hợp, sát thực tế và có tầm nhìn xa. Cải tạo, nâng cấp, sử dụng có hiệu quả các công trình hạ tầng đã xây dựng; triển khai thực hiện các công trình xây dựng mới trên cơ sở quy hoạch. Quy hoạch xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới trên cơ sở giữ vững quy hoạch vùng sản xuất đã được phê duyệt và phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quy hoạch của các ngành, các lĩnh vực. Quy hoạch phải mang tính ổn định lâu dài, tính hiệu quả và tính khả thi cao.

Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ huyện về phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, gắn với xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025; tăng cường huy động vốn và bố trí đầu tư lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; xã hội hóa nguồn lực đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư vào danh mục các công trình, dự án cụ thể để có phương án tổ chức thực hiện; tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, bao gồm hệ thống giao thông, thuỷ lợi, Trường học, Trung tâm văn hóa, Trung tâm Y tế, các công trình phục vụ cho sản xuất, phúc lợi xã hội, các cơ sở hoạt động văn hoá, các công trình phục vụ cho sinh hoạt và đời sống của nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng Trường đạt chuẩn.

Năm là, tập trung triển khai thực hiện tốt Kế hoạch của Huyện ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch Huyện ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn huyện An Minh; Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển kinh tế biển huyện An Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa các loại hình thâm canh, đa canh, tăng năng suất, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển từ sản xuất riêng lẻ sang sản xuất hợp tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả mô hình xen canh Tôm - Cua - Lúa để nâng cao thu nhập trên cùng diện tích; khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm quãng canh có cải tiến, nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết, liên doanh, hợp đồng cung ứng vật tư và bao tiêu, tiêu thụ nông sản cho nông dân; chăn nuôi theo hướng VietGAP, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh môi trường và kiểm soát tốt dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế hợp tác trong sản xuất ngư, nông nghiệp; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ hợp tác và Hợp tác xã; thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

                                                      Trường Anh - Chuyên viên Ban Tuyên giáo Huyện ủy