Một số kết quả đạt được sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn huyện An Minh

Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI v“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trên địa bàn huyện An Minh đã đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng dạy và học được tăng cường; mạng lưới trường lớp được mở rộng và ngày càng phát triển.

Toàn huyện hiện có 43 cơ sở giáo dục với 1.259 viên chức. Đội ngũ cán bộ quản lý được quy hoạch bổ nhiệm, luân chuyển theo nhiệm kỳ; giáo viên các cấp học hàng năm được tuyển dụng đảm bảo đủ số lượng theo biên chế được giao. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ bản đạt chuẩn về trình độ chính trị, trình độ quản lý giáo dục, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được tập huấn bồi dưỡng thường xuyên, đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục của huyện.

Cơ sở giáo dục ngày càng được đầu tư, mở rộng. Huyện hiện có 846 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố là 585 phòng, số phòng học bán kiên cố là 261 phòng và có 130 phòng học bộ môn. Triển khai tốt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2025, đặc biệt là Đề án “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường trọng điểm và trường chuyên biệt trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2016-2020”. Thực hiện rà soát bổ sung xây mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch, mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu đối với trường có kế hoạch công nhận chuẩn quốc gia, các điểm trường không duy trì đạt chuẩn sau 5 năm và các trường có tổ chức dạy 2 buổi/ngày và có hoạt động bán trú…

 

Học sinh Trường tiểu học Đông Hòa 2 nhận học bổng nhân dịp khai giảng năm học mới 2022-2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm đến công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xem đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chuyên môn của ngành giáo dục; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật sự đồng bộ. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ở cơ sở còn mang tính hình thức; công tác kiểm tra, giám sát chưa nhiều; công tác quản lý nhà nước về giáo dục ở một số địa phương chưa chặt chẽ; quản lý tài chính trường học có đơn vị thực hiện chưa nghiêm. Cơ sở vật chất mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, nhiều trường còn thiếu trang thiết bị, phòng chức năng phục vụ dạy và học. Một số phòng học đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, thay thế kịp thời...

Để tiếp tục thực hiện tốt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, các cấp ủy, chính quyền trong huyện cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, chú ý tập trung huy động các nguồn lực xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, trường trọng điểm, gắn với xây dựng nông thôn mới; kiện toàn đội ngũ nhà giáo; không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giáo dục học sinh phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục...

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của giáo dục đào tạo. Tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông theo hướng tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Duy trì thường xuyên và nâng cao chất lượng hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng. Đẩy mạnh việc liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Ba là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường; kịp thời sửa chữa, thay thế các phòng học xuống cấp, phòng học tạm. Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp ở các cấp học trên địa bàn huyện cho phù hợp. Xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn theo quy định; khắc phục tình trạng đầu tư xây dựng phân tán, nhỏ lẻ thiếu tập trung hiệu quả thấp. Tập trung đầu tư cho các mục tiêu ưu tiên như: Trường trọng điểm chất lượng cao, trường đạt chuẩn Quốc gia, Trung tâm học tập cộng đồng các xã...

Bốn là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo tính kế thừa, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm phát huy tốt hơn năng lực, sở trường của từng người; đồng thời khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, phát huy năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, công tác.

Năm là, tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và giáo dục thông minh; kiên trì, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học để tiếp tục thực hiện việc chuyển quá trình giáo dục từ trang bị kiến thức là chủ yếu, sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tự kiểm tra của các cơ sở giáo dục.

 

                                                                                                                                                 LÂM MINH HẬU

                                                                                                                                              (Huyện ủy viên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy)